Tánh linh 40 năm xây dựng và phát triển

Kế thừa và phát huy truyền thống Cách mạng, ý thức tự lực, tự cường trong kháng chiến, ngay sau ngày quê hương được thống nhất, đặc biệt là từ khi tái lập huyện (01/5/1983). Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Từ một huyện nghèo, kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh kinh tế-xã hội hầu như không có gì. Năm 1983, huyện Tánh Linh có hơn 44.000 dân, sinh sống tại 11 xã (chưa có thị trấn). Phần lớn nhân dân sinh sống nhờ lâm nghiệp; 100% dân số ở khu vực nông thôn, thì nay đã có bước phát triển vượt bậc. Một số dấu ấn đáng nhớ:

Năm 1993, lưới diện quốc gia được kéo về, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong thời kỳ tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn huyện nhà, khơi nguồn cho ánh sáng an ninh – ánh sáng văn minh cho huyện miền núi Tánh Linh.

Năm 1994, huyện Tánh Linh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do đã có nhiều thành tích trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sau đó, từ năm 1995 đến năm 1999, lần lượt các xã La Ngâu, Huy Khiêm, Bắc Ruộng và Nghị Đức cũng được đón nhận danh hiệu cao quý ấy. Điểm ghi danh chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử quốc gia;

Năm 1999, xã Lạc Tánh được nâng cấp lên thành Thị trấn – “đô thị” đầu tiên và duy nhất ở huyện kể từ đó đến nay, nơi sinh sống của trên 15% dân số toàn huyện. Thị trấn bây giờ đã không còn heo hút như ngày nào, mà đang vươn lên ngang tầm một đô thị, với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa... của toàn huyện.

Năm 2003, ghi dấu bước ngoặt mới trong phát triển nông nghiệp và nông thôn huyện nhà, khi Huyện ủy Tánh Linh ra Chỉ thị 15 về phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng. Nhờ đó, đã xây dựng được hệ thống tưới bằng máy và hệ thống tưới tự chảy phủ đến 61% diện tích đất trồng lúa trong huyện, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nông dân trồng lúa. Phát huy chủ trương đúng đắn đó, năm 2012, Huyện ủy có Chương trình hành động về tiếp tục hoàn chỉnh kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với giao thông nội đồng đến năm 2015, cùng với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng khác, sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Năm 2010, khởi công công trình đập thủy lợi Tà Pao, xác lập một kỳ tích trên đường phát triển của huyện đầu thế kỷ XXI. Công trình này đã đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội suốt 3 khóa liền (X, XI, XII), với tổng vốn đầu tư trên 2.700 tỷ, tưới cho trên 20.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước cho 150.000 hộ dân. Mở ra triển vọng phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản cho nhân dân địa phương.

Năm 2012, toàn huyện đồng loạt ra mắt xây dựng Nông thôn mới tại 13/13 xã, với chủ đề “Chung sức chung lòng xay dựng Nông thôn mới”. Phấn đấu đến năm 2015, huyện có 01 xã đạt 19/19 chuẩn Nông thôn mới; đến năm 2022 có 9/12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Thị trấn Lạc Tánh xây dựng đô thị văn minh. Đảng bộ huyện quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2022, tổng thu ngân sách được 132 tỷ đồng, đạt 188% dự toán giao. 13/13 xã, thị trấn trụ sở làm việc được xây dựng khang trang, kiên cố. Điện lưới đã phủ đến 13/13 xã, thị trấn với 76/76 thôn, hầu hết các hộ dân đều sử dụng điện. Cứ 100 người thì có 58 người có điện thoại; 100% cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trang bị 354 máy vi tính cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Trung tâm huyện lỵ từng bước được chỉnh trang. Có nhà luyện tập thi đấu. Mặt đường được mở rộng trồng cây xanh, bồn hoa cây cảnh ngang tầm với một thị trấn trẻ.

Trên lĩnh vực nông nghiệp có sự phát triển bền vững và nhanh chóng. Năm 1983 sản lượng lương tực là: 20.803 tấn, thì đến năm 2022, diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 34.255 ha. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 186.492 tấn; tăng gấp 9 lần so với năm 1983, năm đầu mới tái lập huyện. Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện năm 2022 (giá so sánh 2010) ước đạt 1.368 tỷ đồng; tăng hơn rất nhiều so với 10 tỷ đồng năm 1983.

Giáo dục - đào tạo không ngừng phát triển. Năm 1983 toàn huyện chỉ có hơn 10 ngàn học sinh đến lớp, chưa có trường THPT. Đến nay đã có hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao phục vụ công tác dạy và học của nhà trường; hiện nay toàn huyện có 65 đơn vị trường học (64 trường công lập/01 đơn vị trường tư thục). Có 02 trường THPT; 13/13 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Công tác phổ cập giáo dục của các cấp học từ trẻ mầm non, tiểu học và THCS được duy trì bền vững; huyện duy trì đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, duy trì đạt chuẩn Phổ cập THCS mức độ 1, đạt chuẩn Xóa mù chữ mức độ 2. Năm 2022 toàn huyện có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 36/64 trường đạt tỷ lệ 56,25% (mẫu giáo 7/17 trường, tiểu học 18/29 trường và bậc THCS 11/18 trường)

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Năm 1983 toàn huyện chỉ có 05 Bác sĩ. Nay 13/13 xã, thị trấn có Trạm y tế kiên cố, 100% Trạm có bác sỹ. Các Chương trình y tế Quốc gia thực hiện có hiệu quả. Tổng số người tham gia BHYT đến tháng 10/2022 là 95.843 người, ước thực hiện năm 2022 là 96.329 người, đạt 100% so với kế hoạch giao (96.329/96.329 người); tỷ lệ bao phủ chung toàn huyện là 98%.

Phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT tiếp tục được duy trì và phát triển rộng khắp đến cơ quan, đơn vị, trường học, từng địa bàn dân cư với nhiều hoạt động phong phú, góp phần tích cực tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong đời sống xã hội. Đặc biệt bộ môn võ thuật Taekwondo huyện Tánh Linh đã đóng góp nhiều vận động viên cho tỉnh, Quốc gia. Nhiều vận động viên của huyện đã tham gia và đạt nhiều giải quốc gia và quốc tế; Huy chương các giải vô dịch cấp quốc gia: 139 HCV, 158 HCB, 230 HCĐ; cấp quốc tế: 31HCV, 08 HCB, 10 HCĐ.Các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa được triển khai thường xuyên.

Tánh Linh đã 40 năm tái lập đã không ngừng lớn mạnh. Từ 246 đảng viên với 26 Chi bộ trực thuộc năm 1983, đến nay, Đảng bộ huyện có 30 chi, đảng bộ trực thuộc, trong đó có 20 đảng bộ cơ sở và 10 chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện (năm 2022) là 3.373 đồng chí (trong đó: đảng viên chính thức 3.097 đồng chí, đảng viên dự bị 276 đồng chí), đảng viên nữ 1.447 đồng chí, dân tộc thiểu số 203 đồng chí, tôn giáo 111 đồng chí. Tiếp tục quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Bình quân hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt trên 95%, trong đó hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%; Đã xây dựng được 76/76 thôn, bản, khu phố có chi bộ.

Từ một huyện nghèo, sau 40 năm, Tánh linh đã từng bước khẳng định vị thế của mình. Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo đã làm nên những mốc son đáng nhớ trong quá trình xây dựng và phát triển. Đây là nền tảng, là niềm tin vững chắc để Tánh Linh tiếp tục tạo được những dấu ấn mới trong quá trình phát triển  quê hương Tánh Linh Anh hùng.

Phạm Hương

Tin liên quan
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang