Tánh Linh tập trung phát triển sản xuất lúa, gạo theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao
Tánh Linh là
huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên
45.000 ha, chiếm trên 37% tổng diện tích tự nhiên (119.875 ha) của huyện; trong đó diện tích đất trồng lúa 11.700
ha, chiếm 26% diện tích đất nông nghiệp. Nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng
cao trong cơ cấu kinh tế (45%), cây lúa là một trong 03 cây chủ lực của huyện.
Hằng năm, huyện chỉ đạo sản xuất 3 vụ lúa (Đông Xuân, Hè thu và vụ Mùa), tổng
sản lượng năm 2023 đạt 162.630 tấn.
Trong nhiều năm qua, huyện Tánh Linh
đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chiều sâu gắn với xây dựng nông
thôn mới, trong đó chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh
tranh, giá trị và hiệu quả cao, phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng. Tại
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Mở
rộng và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có
tiềm năng và lợi thế, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp là
một khâu đột phá trong nhiệm kỳ; trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện
(khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai
thực hiện. Qua gần 03 năm thực hiện, sản xuất lúa, gạo trên địa bàn huyện đã
từng bước phát triển theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, nổi bật trên
các mặt:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì ổn định trên 11.000 ha đất trồng lúa; diện
tích cánh đồng lớn được mở rộng gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và
đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, đến nay có khoảng 3.030 ha (đạt
trên 89% kế hoạch); có trên 2.700 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 69
ha sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGap có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”; thực hiện
thí điểm “dồn thửa” 30 ha đất trồng lúa tại xứ đồng lớn Lạc Tánh; diện tích sản
xuất lúa giống tập trung từ 200 - 250 ha/năm. Chuyển đổi 2.550 ha đất sản xuất
lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, đem lại lợi nhuận cao hơn (bình quân
5-6 triệu đồng/ha/vụ), đồng thời giảm thiệt hại do ngập úng khi mưa lũ.
Thứ hai, tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hỗ
trợ xây dựng mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp gắn với xây dựng nông
thôn mới. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động
15 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và 25 Tổ hợp
tác, làm đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh
nghiệp. Duy trì và mở rộng 02 dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo Nghị
định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số
86/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với Công ty Đại Nhật Phát và HTX
Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình liên kết với nông dân trên diện tích 300 ha
lúa chất lượng cao.
Đặc biệt, huyện đã mời gọi Công ty Cổ phần Tập đoàn
Lộc Trời tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo tại địa phương.
Đây là Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, xuất khẩu gạo hơn 40 quốc gia;
từng được chứng nhận Gạo ngon nhất thế giới (năm 2018, năm 2022) và
nhiều chứng nhận khác của Việt Nam và quốc tế. Tập đoàn đã thuê lại Nhà máy xay
xát tại xã Đồng Kho với công suất sấy 80 tấn/ngày đêm, xay xát 50 tấn/ngày đêm
và 14 ha để sản xuất lúa giống. Vụ mùa năm 2023, Tập đoàn đã liên kết
với các hộ nông dân thông qua Hợp tác xã, Tổ Hợp tác với diện tích khoảng 85
ha/73 hộ (trong đó có 12 ha/12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số), các loại vật tư đầu vào được tính theo giá
gốc, thấp hơn giá thị trường, chi phí đầu vào không tính lãi đến khi thu mua
sản phẩm và cam kết thu mua 100% sản phẩm với giá có lợi nhất cho
nông dân, không xảy ra tình trạng ép giá của thương lái. Quy trình sản xuất hữu
cơ, quản lý nghiêm ngặt dư lượng phân, thuốc theo quy định của nước xuất khẩu.
Tập đoàn đã thu mua theo giá thị trường và hỗ trợ thêm 1.100 đồng/1 kg lúa cho
nông dân, tạo sự tin tưởng và phấn khởi bước đầu trong liên kết, với niềm vui
“được mùa được giá”. Hiện nay, Tập đoàn đang mở rộng liên kết sản xuất lúa vụ
Đông xuân 2023 - 2024 lên 200 ha.
Thứ
ba, tiếp tục khai thác có hiệu quả Hệ thống thủy lợi Tà
pao, giao thông nội đồng được đầu tư để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện đã
bố trí trên 28 tỷ đồng từ nguồn
kinh phí quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định số
62/2019/NĐ-CP của Chính phủ để
hỗ trợ hoạt động khuyến nông, đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng; đến
nay đã cứng hoá 191 km (đạt 87%) đảm bảo đi lại sản xuất và vận chuyển nông sản;
từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ phát triển sản xuất nông
nghiệp với kinh phí gần 2,6 tỷ đồng. Triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và
tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí 27 tỷ
đồng. Tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong sản xuất
nông nghiệp để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của biến
đổi khí hậu.
Thứ tư, tăng cường hợp tác với Viện Lúa đồng bằng
sông Cửu Long trong thực hiện mô hình “khảo
nghiệm các giống lúa triển vọng”; tổ chức hội thảo đầu bờ, đánh giá các
giống lúa có khả năng thích nghi, phát triển tốt, cho năng suất cao để phục vụ
sản xuất lúa giống; giúp nông dân tiếp cận nguồn lúa giống có chất lượng, giá
bán hợp lý ngay tại địa phương. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực
hiện mô hình “thâm canh cây lúa theo phương pháp cải tiến SRI đạt chứng nhận
VietGAP”, nhân rộng hàng năm từ 260 - 300 ha. Xây dựng thương hiệu Gạo Đức Lan là sản phẩm OCOP được
tỉnh công nhận 3 sao, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Gắn sản xuất
với chế biến, vận hành ổn định 02 nhà máy xay sát, chế biến gạo hiện đại (trong
đó có 01 nhà máy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu), góp phần ổn định sản phẩm đầu
ra, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Những
kết quả đạt được như trên đã tạo giá trị gia tăng trên cùng một diện tích đất
canh tác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của nông dân. Thu
nhập bình quân đầu người đến nay đạt 55,8 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân
17,82%/năm; tỷ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố trên 90%.
Tuy
nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc sản xuất lúa gạo
bền vững, có giá trị gia tăng cao còn một số khó khăn về biến đổi khí hậu, thị
trường, giá cả không ổn định, tập quán canh tác; thực hiện liên kết sản xuất,
tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong
sản xuất còn hạn chế dẫn đến chất lượng, giá trị cạnh tranh còn thấp.
Trong
thời gian tới, để đạt mục tiêu sản xuất lúa, gạo theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, góp
phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng
huyện Tánh Linh đạt chuẩn nông thôn mới, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống
của nhân dân, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà cần kiên trì,
nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là đổi mới cách nghĩ, cách làm, đồng thời quan tâm
một số vấn đề sau đây:
Một là, khai thác có hiệu quả tiềm năng,
lợi thế của huyện trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục mở rộng diện tích lúa
theo cánh đồng lớn gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch,
bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích sản xuất theo hướng
hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, gắn liền với nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” và sản
phẩm OCOP.
Hai là, thu hút các doanh nghiệp có đủ
năng lực về vốn, khoa học công nghệ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ
cao. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất; tăng cường hợp tác với Viện Lúa đồng bằng sông
Cửu Long thực hiện mô hình “khảo nghiệm
các giống lúa triển vọng”; tiếp tục hợp tác toàn diện với Công ty Cổ phần
Tập đoàn Lộc Trời; phối hợp với Trung
tâm Khuyến nông nhân rộng mô hình “thâm canh cây lúa theo phương pháp cải
tiến SRI”.
Ba là, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, Tổ
hợp tác; xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động
hiệu quả, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,...
Bốn
là, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hạ tầng thủy lợi,
giao thông nội đồng, nhất là kiên cố hóa các kênh tưới, kênh tiêu, đê bao nhằm
đảm bảo sản xuất của nông dân và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm là, triển khai kịp thời, có hiệu quả kinh phí về quản lý, sử
dụng đất trồng lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các dự
án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của
Chính phủ và Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND của Hội
đồng nhân dân tỉnh. Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn
mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trước thềm xuân Giáp Thìn năm 2024, xin gửi trọn niềm tin
và hy vọng nền nông
nghiệp và “hạt gạo Tánh
Linh” sẽ phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững./.
Nguyễn Tuấn Anh
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tánh Linh