THÔNG TIN UBND THỊ TRẤN LẠC TÁNH

 

anh tin bai
 

1. Đặc điểm tự nhiên:

1.1. Vị trí địa lý:

Thị trấn Lạc Tánh là thị trấn trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Tánh Linh, được công bố thành lập vào ngày 01/7/1999 theo Nghị định số 37/1999/NĐ-CP, ngày 15/6/1999 của Chính phủ, có tổng diện tích tự nhiên là 3.816 ha, Lạc Tánh có 10 khu phố (Lạc Hưng 1, Lạc Hưng 2, Lạc Hoá 1, Lạc Hoá 2, Lạc Thuận, Lạc Tín, Lạc Hà, Tân Thành, Trà Cụ và khu phố Chăm), nằm cách thành phố Phan Thiết 100 km về phía Tây Nam và nằm trên đường tỉnh lộ 720 nối liền với thị trấn Võ Xu (huyện Đức Linh) có địa giới hành chính như sau:

+ Phía Đông: giáp ranh giới hành chính xã Đức Bình và xã Đức Thuận;

+ Phía Tây: giáp ranh giới hành chính xã Gia An và xã Gia Huynh;

+ Phía Nam: giáp ranh giới hành chính xã Gia Huynh;

+ Phía Bắc: giáp ranh giới hành chính xã Huy Khiêm và Xã Đồng Kho.

Khu đo thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Được giới hạn trong tọa độ địa lý:

Từ 11°45’03” đến 11°56’17” độ vĩ Bắc

Từ 108°24’34” đến 108°29’14” độ kinh Đông

1.2. Địa hình, địa mạo.

Thị trấn Lạc Tánh nằm trong vùng chuyển tiếp từ vùng cao nguyên Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) xuống vùng đồng ven biển (huyện Hàm Tân), trải dài dọc theo hướng từ Bắc xuống Nam. Theo đặc điểm địa hình và đặc trưng lãnh thổ của thị trấn Lạc Tánh lấy đường tỉnh lộ 720 làm trục, phân chia thành khu vực phía Tây và khu vực phía Đông đường 720. Toàn thị trấn chia ra 2 dạng địa hình chính sau đây:

- Khu vực phía Tây đường 720 là địa hình đồi thoải, độ dốc trên dưới 15 độ. Chủ yếu là trồng cây lâu năm, đất ở và đất xây dựng các cơ quan của huyện, trường học… Diện tích khoảng 2.290 ha; chiếm khoảng 60% diện tích tự nhiên của thị trấn.

- Khu vực phía Đông đường 720 địa hình tương đối bằng, thấp. Độ dốc từ 3-8 độ. Chủ yếu là đất ruộng lúa và đất màu, đất thổ cư. Nguồn nước tưới cho lúa, hoa màu là do sông La Ngà và các con suối cung cấp. Tuy nhiên càng xuống dần phía Tây Nam địa hình càng cao do bắt đầu đi vào vùng núi Mây, núi Ông. Diện tích khoảng 1.526 ha; chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên của thị trấn. Đặc biệt từ năm 2016 được Nhà nước đầu tư tuyến Quốc lộ 55 nối dài từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến ngã ba Bảo Lộc, tỉnh Lâm đồng, giáp Quốc lộ 20, với chiều dài qua địa bàn thị trấn khoàng 6 km.

Nhìn chung, đặc điểm địa hình, địa mạo của thị trấn Lạc Tánh tương đối phức tạp, vùng đồi về mùa mưa thường bị xói mòn, vùng thấp thường bị ngập úng, đặc biệt là lúc thủy điện Hàm Thuận - Đa My xả lũ thường gây ra ngập úng những chân ruộng thấp, gây thiệt hại cho bà con nông dân.

1.3. Khí hậu, thời tiết.

Thông qua các số liệu quan trắc nhiều năm từ trạm quan trắc khí tượng thủy văn Tà Pao, thời tiết khí hậu của huyện Tánh Linh nói chung và thị trấn Lạc Tánh nói riêng mang tính chuyển tiếp giữa chế độ mưa của vùng duyên hải cực Nam Trung bộ và đồng bằng Nam Bộ hay nói cách khác đây là vùng đệm giữa cao nguyên Di Linh và đồng bằng ven biển.

* Nhiệt độ

Nhiệt độ thấp và điều hoà hơn các vùng khác, nhiệt độ bình quân năm vào khoảng 26 - 270C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 24,60C (tháng 01). Sự chênh lệch giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là từ 3 - 40C.

* Mưa

Mùa mưa trên địa bàn thị trấn cũng như huyện Tánh Linh bắt đầu sớm hơn các vùng khác, vào khoảng tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Bên cạnh đó, do chịu tác động của gió mùa Đông Bắc và bị chi phối bởi địa hình nên vào những tháng ở đầu và cuối mùa khô vẫn còn xuất hiện các cơn mưa rải rác. Lượng mưa trung bình hàng năm dao động khoảng 2.400 - 2.500 mm. Năm mưa nhiều nhất 2.500 - 3.000 mm, năm mưa ít nhất 1.500 - 2.000 mm. Số ngày mưa trong năm khoảng 120 - 150 ngày, trong đó trung bình có 15 - 22 ngày mưa mỗi tháng.

Song thực tế hiện nay, do biến động của hoàn lưu khí quyển, có năm mùa mưa bắt đầu vào tháng 6 và có năm mùa mưa kết thúc muộn hơn một tháng (tháng 11).

* Nắng

Nhìn chung do mùa khô kéo dài từ 5 - 6 tháng, thời gian này trời thường ít hoặc quang mây, cho nên số giờ nắng rất cao, tổng số giờ nắng trung bình trong năm lên tới 2.878 giờ. Trong mùa khô, số giờ nắng trung bình từ 8 - 9 giờ/ngày, trên 260 giờ nắng/tháng. Tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 3 với trên 310 giờ (Trung bình có khoảng 10 giờ nắng/ngày). Trong mùa mưa, số trung bình từ 6 - 7 giờ/ngày và khoảng 200 giờ nắng/tháng. Tháng 8, tháng 9 là những tháng có số giờ nắng thấp nhất 190 - 192 giờ.

* Gió

Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của hoàn lưu cơ chế gió mùa, hàng năm có 2 mùa gió chính ảnh hưởng đến khí hậu của thị trấn là:

- Gió mùa Đông Bắc (gió mùa Đông): Từ tháng 9 đến 4 năm sau.

- Gió mùa Tây Nam (gió mùa hạ): Từ tháng 6 đến tháng 9.

Tốc độ gió: Tốc độ gió trung bình năm 1,80m/s.

Nhìn chung, tốc độ gió mùa Đông Bắc lớn hơn tốc độ gió mùa Tây Nam. Tốc độ gió mạnh nhất từ  tháng 1 đến tháng 3, vào khoảng 32m/s. Tốc độ gió nhỏ nhất vào tháng 5 và tháng 10, vào thời kỳ chuyển tiếp giữa hai mùa gió chính.

* Độ ẩm

Độ ẩm không khí trung bình trong năm của thị trấn là 83%. Trong đó, thấp nhất là vào tháng 02, tháng 3 (78%) và cao nhất là vào tháng 9 (88%).

Mùa ẩm thường đi đôi với mùa mưa, độ ẩm trung bình tháng đều cao hơn trị số trung bình năm. Mùa khô trùng với mùa ít mưa, độ ẩm trung bình tháng thấp hơn trung bình năm.

* Lượng bốc hơi

Lượng bốc hơi trung bình hàng năm của thị trấn là 1.412 mm, cao nhất là vào khoảng tháng 3 (164 mm) và thấp nhất là vào tháng 9 (77 mm). Vào mùa mưa lượng bốc hơi tương đối nhỏ, mỗi tháng khoảng 70 - 85 mm. Ngược lại vào mùa khô lượng bốc hơi trên 100 mm.

Ngoài ra cùng chung với cả vùng, hàng năm thị trấn còn có một số hiện tượng thời tiết đáng chú ý khác như:

+ Vào các tháng mùa mưa thường có giông, chủ yếu là giông nhiệt, xẩy ra trong mùa hạ nhất là vào buổi chiều. Giông thường kèm theo gió mạnh, mưa rào và sấm sét. Mưa giông, tuy thời gian không lâu nhưng cường độ mưa lớn, góp phần đáng kể trong lượng mưa cả năm.

+ Vào các tháng mùa khô không có sương mù, sương muối nên không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhưng không có mưa gây khô hạn nghiêm trọng.

Khí hậu của thị trấn Lạc Tánh mang đầy đủ tính chất khí hậu nhiệt đới, với những đặc trưng cơ bản về phương diện nhiệt, nền nhiệt độ cao đều quanh năm và ít biến động. Do trong năm thường ít xảy ra hiện tượng sương mù nên vi khuẩn, vi trùng gây dịch bệnh trong nông nghiệp không có môi trường thuận lợi để sinh sôi và phát triển. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi để cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, đảm bảo thâm canh tăng vụ - phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên còn một số vấn đề cần chú ý như: mưa nhiều, lượng mưa hàng năm ít biến động, mùa mưa đến sớm và kéo dài, do đó cần phải có sự quan tâm đầy đủ đến công tác phòng chống xói mòn đất và cải tạo độ màu mở của đất bị rửa trôi.

1.4. Thủy văn.

Mạng lưới sông suối của thị trấn lạc Tánh gồm có 1 con sông lớn và các sông suối nhỏ khác.

- Sông La Ngà: Đây là con sông lớn nhất huyện Tánh Linh, nằm ở phía Bắc thị trấn và cũng là ranh giới hành chính giữa Lạc Tánh với xã Huy Khiêm. Sông La Ngà bắt nguồn từ vùng núi cao thuộc cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) trên độ cao 1.300 mét, từ thượng nguồn xuống sông chảy theo hướng Bắc - Nam hơi lệch Đông, sau đó bị chắn bởi những ngọn núi cao sông chảy theo hướng Đông Bắc  - Tây Nam. Sông La Ngà chảy qua địa phận thị trấn Lạc Tánh có chiều dài khoảng 6,25km, diện tích lưu vực 4.170 km2.

Đây là nguồn nước chủ yếu cung cấp nước sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của thị trấn. Tuy nhiên do sông bắt nguồn từ vùng có lượng mưa lớn và tập trung, địa hình chuyển đột ngột từ miền núi xuống miền xuôi, không có đê chắn lũ nên trong mùa mưa thường gây úng lụt.

Ngoài sông La Ngà, ở thị trấn Lạc Tánh còn có các con suối khác, trong đó có 3 con suối lớn là suối Cát, suối Lồ Ô, suối Phin. Phần lớn các con suối này đều bắt nguồn từ những vùng núi cao ở phía Nam Thị trấn đổ về sông La Ngà.

Nhìn chung, mạng lưới sông, suối phân bố tương đối đều khắp thị trấn, nguồn nước tương đối dồi dào đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn thị trấn. Tuy nhiên do lượng mưa tập trung theo mùa nên hiện tượng hạn hán cục bộ vào mùa khô và lũ quét vào mùa mưa vẫn thường xảy ra.

2. Các nguồn tài nguyên, khoáng sản.

2.1. Tài nguyên đất.

Qua điều tra kết hợp với các tài liệu về thổ nhưỡng địa chất của Tỉnh và vận dụng phương pháp phân loại đất của FAO - UNESCO thì quỹ đất thị trấn Lạc Tánh có 3 nhóm đất chính và 8 loại đất.

* Nhóm đất phù sa

Diện tích 1.590,07 ha chiếm 41,67% diện tích tự nhiên toàn thị trấn, phân bố ở phía Bắc, Đông Bắc và dọc theo phía Đông thị trấn, là loại đất được hình thành bởi quá trình bồi tụ phù sa của sông La Ngà.

Trong nhóm đất phù sa có các loại đất sau:

+ Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng

Diện tích 511,27 ha chiếm 13,40% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu  ở phía Bắc của thị trấn. Đất có màu vàng nhạt, càng xuống sâu màu vàng càng đậm và xuất hiện những vệt đỏ vàng của Oxyt sắt, tạo thành một tầng loang lổ. Tầng đất dày trên 100 cm. Thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình, kết cấu cục nhỏ, chất hữu cơ trung bình, mức độ khoáng hóa thấp, đất chua vừa, hàm lượng các chất dinh dưỡng từ nghèo đến trung bình, khả năng giữ nước và giữ phân tốt. Hiện đang được sử dụng trồng lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Đất phù sa Glây

Diện tích 1003,80 ha, chiếm 26,30% diện tích tự nhiên, phân bố ở  phía Đông, Đông Bắc của thị trấn thuộc địa hình vàn, vàn thấp. Tầng đất dày trên 100 cm, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, kết cấu cục tảng, hàm lượng sét cao ở tất cả các tầng đất, lượng mùn cao ở tầng mặt, đất chua vừa, các chất dinh dưỡng từ trung bình đến khá, khả năng giữ nước và giữ phân tốt. Loại đất này hiện đang sử dụng trồng lúa và một số ít diện tích trồng các loại cây ngắn ngày ở phía bắc thị trấn.

+ Đất phù sa úng nước

Diện tích 75,00 ha, chiếm 1,97%, phân bố ở địa hình thấp trũng thường xuyên ngập nước. Đất bị Glây mạnh và có tính chất lầy thụt không có kết cấu. Lớp mặt có lớp bùn nhão dày tới vài chục cm. Khả năng khoáng hóa thấp, hàm lượng chất hữu cơ cao. Quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí sinh ra những chất độc hại cho cây trồng. Tầng đất dầy trên 100 cm, đất thường chua. Các chất dinh dưỡng khá. Hiện đang là những ao hồ có thể cải tạo tận dụng dùng để nuôi trồng thủy sản.

* Nhóm đất đỏ vàng

Là nhóm có diện tích lớn nhất trong các nhóm đất của thị trấn với diện tích 2.057,33 ha chiếm 53,40% diện tích tự nhiên, phân bố kéo dài từ Tây Bắc (giáp xã Gia An) xuống Tây Nam giáp xã Gia Huynh, là loại đất được hình thành do sự phong hóa đá mẹ Macma Acid nên trong đất có chứa nhiều thạch anh và đá lẫn. Bao gồm các loại đất:

+ Đất đỏ vàng trên phù sa cổ

Diện tích 193,75 ha chiếm 5,08%, phân bố nằm rải rác các nơi và dọc theo 2 bên đường tỉnh lộ 720. Bản chất của loại đất này là đất phù sa nhưng phân bố ở địa hình cao, thoát nước tốt nên trong đất xảy ra quá trình Feralit yếu. Đất có màu nâu vàng là chủ đạo. Tầng đất dày trên 100 cm, tơi xốp, thành phần cơ giới thịt trung bình. Trong phẫu diện có những vệt màu vàng  của quá trình rửa trôi sắt, nhôm. Ở độ sâu trên 1 mét xuất hiện kết von đá ong, đất chua vừa, các chất dinh dưỡng trung bình. Hiện đang được sử dụng trồng cây công nghiệp lâu năm và một số ít trồng lúa.

+ Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa

Diện tích 117,50 ha chiếm 3,08%, phân bố ở phía Nam thị trấn thuộc khu phố Tân Thành. Đất có màu nâu hơi vàng, thành phần cơ giới thịt nhẹ, tầng đất dày trên 100 cm, trong phẫu diện đất xuất hiện tầng Glây yếu, đất chua, các chất dinh dưỡng trung bình. Nguyên thủy, loại đất này phân bố ở địa hình tương đối bằng phẳng được khai thác trồng cây hàng năm sau đó do điều kiện tưới tiêu thuận tiện nên đã sử dụng trồng lúa 2 vụ.

+ Đất đỏ vàng trên đá Macma acid 

Đây là lọai đất có diện tích lớn nhất trong các loại đất của thị trấn, diện tích 1634,46 ha chiếm 42,38 %, phân bố thành dải núi nhỏ bao bọc dọc theo phía Tây của thị trấn. Đất đựơc hình thành do sự phong hóa của đá Macma Acid. Đất có màu vàng đỏ, thành phần cơ giới nhẹ, trong đất có nhiều thạch anh,  đá lẫn và đá lộ đầu, tầng đất mỏng, độ dốc dao động lớn từ 3 đến 20 độ nên quá trình Feralit diễn ra mạnh. Đất có màu vàng đỏ, khoáng hóa cao, cation trao đổi thấp,hàm lượng mùn thấp, đất chua, các chất dinh dưỡng đều nghèo. Phần lớn hiện đang sử dụng trồng cây công nghiệp lâu năm, một phần đang sử dụng trong lâm nghiệp và một số ít là đất chưa sử dụng.

+ Đất đỏ vàng trên đá Phiến sét

Diện tích 92,12 ha chiếm 2,41%. Phân bố ở địa hình đồi núi thấp thuộc khu phố Tân Thành và khu phố Lạc Tín. Đất có màu đỏ vàng là chủ đạo, tầng đất dầy 70 _ 100 cm, có đá lẫn và đá lộ đầu, thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình. Đất chua, mùn trung bình, mức độ phân giải chất hữu cơ trung bình, các chất dinh dưỡng từ nghèo đến trung bình, cation trao đổi thấp, khả năng giữ nước và giữ phân tương đối tốt. Loại đất này hiện đang được sử dụng trồng cây công nghiệp lâu năm.

* Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá

Là nhóm có diện tích nhỏ nhất trong các nhóm đất của thị trấn với diện tích 19,50 ha chiếm 0,51% diện tích tự nhiên, phân bố ở địa hình cao, tập trung ở khu phố Trà Cụ, tầng đất mỏng, đất được hình thành là do hậu quả quá trình xói mòn, rửa trôi trong thời gian dài.

Do đất có những hạn chế đáng kể về tầng dày canh tác và phân bố ở địa hình đồi núi dốc. Vì vậy loại đất này chỉ có thể sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng hoặc trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc.

Nhìn chung, đất đai Lạc Tánh khá phù hợp với nhiều loại cây trồng, đất trồng cây hàng năm được trồng trên những vùng đất có độ dốc từ 0-8o, đất trồng cây lâu năm được trồng trên những vùng đất có độ dốc 8-15o. Độ phì đất vào loại trung bình, nếu có biện pháp đầu tư thâm canh đúng đắn, bố trí cây trồng hợp lý thì mang lại hiệu  quả kinh tế ngày càng cao hơn.

Bảng 01: Diện tích, cơ cấu các loại đất của thị trấn Lạc Tánh

SỐ
TT

LOẠI   ĐẤT

KÝ HIỆU

DIỆN TÍCH
( ha)

TỶ LỆ
(%)

I

Nhóm đất phù sa

P

1.590,07

41,67

1

Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng

Pl

511,27

13,40

2

Đất phù sa Glây

Pg

1.003,80

26,30

3

Đất phù sa úng nước

PJ

75,00

1,97

II

Nhóm đất đỏ

F

2.057,33

53,40

4

Đất nâu vàng trên phù sa cổ

Fp

193,75

5,08

5

Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa

Fl

117,50

3,08

6

Đất đỏvàng   trên đá Macma acid

Fa

1.634,46

42,83

7

Đất đỏ vàng trên đá Phiến sét

Fs

92,12

2,41

III

Nhóm đất trơ sỏi đá

E

19,50

0,51

8

Đất xói mòn trơ sỏi đá

E

19,50

0,51

IV

Nhóm đất khác

 

168,60

4,42

9

Giao thông, thủy lợi, sông suối

 

168,60

4,42

TỔNG DIỆN TÍCH

 

    3.816,00

  100,00

2.2. Tài nguyên nước.

- Nguồn nước mặt 

Chủ yếu khai thác từ hệ thống các sông suối chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn tài nguyên nước của thị trấn như: Sông La Ngà, suối Cát, suối Lồ Ô, suối Phin. Riêng công trình thủy lợi Đập suối Cát tưới được cho khoảng 110 ha đất canh tác. Nhìn chung các công trình thủy lợi của thị trấn phục vụ cho việc điều tiết khai thác nguồn nước mặt còn hạn chế, số lượng công trình ít, hiệu quả khai thác thấp. Do đó việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo công trình hiện có, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi mới là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong thời gian tới.

- Nguồn nước ngầm

Theo số liệu thăm dò, đánh giá trữ lượng thiên nhiên nước ngầm dưới lòng đất của Lạc Tánh thì nguồn nước ngầm có 2 dạng sau:

+ Tầng chứa nước của các bồi tích (cát, cuội, sỏi) thường thấy ở thềm sông La Ngà, các suối lớn và các vùng phụ cận, có tính thấm nước cao, năng suất khai thác mỗi giếng trong tầng này dao động từ  2m3- 15m3. Nước thuộc loại siêu nhạt, độ khoáng 0,1mg/l.

+ Tầng chứa nước khe nứt của các đá phun trào Bazan. Có nhiều lỗ hổng và độ nứt nẻ lớn, khả năng thấm nước tốt nhưng bề dày không lớn nên chứa nước không nhiều. Năng suất khai thác an toàn cho mỗi giếng từ 1 - 2m3/h. nước thuộc loại nhạt, độ khoáng từ 0,1 - 0,5mg/l. 

Nhìn chung nhờ ảnh hưởng thâm nhập của sông La Ngà nên trữ lượng nước ngầm của thị trấn Lạc Tánh tương đối dồi dào, có thể đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt cũng như sản suất của nhân dân trên địa bàn nếu biết khai thác tốt tài nguyên này.

2.3 Tài nguyên khoáng sản.

Theo tài liệu thu thập của Viện Địa Chất - Khoáng sản, ở Lạc Tánh hiện nay có loại Cát xây dựng phân bố theo lòng sông La Ngà, phía Bắc thị trấn, cát có màu xám phớt vàng, kích thước hạt từ mịn đến trung bình, thành phần hạt chủ yếu là thạch anh. Ngoài ra còn có cuội, sỏi Laterit màu đỏ, dùng để rải đường cấp phối, có kích thước từ 1 - 2 cm.

2.4. Thực trạng môi trường. 

Là thị trấn của một huyện miền núi với thảm thực vật, động vật, cảnh quan môi trường đa dạng, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp là điều kiện để phát triển các loại hình du lịch tham quan, văn hóa. Quá trình phát triển đô thị chưa cao nên mức độ ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề đáng được đặt ra cần quan tâm giải quyết và được thể hiện ở các mặt sau:

- Tài nguyên đất ngày được quan tâm khai thác, nhưng các quá trình suy thoái đất như hoang mạc hóa, xói mòn, sạt lở,... có khả năng xảy ra nhiều nơi.

- Tài nguyên nước mặt tại các lưu vực chưa biến động nhiều, còn nằm trong giới hạn cho phép của các mục đích sử dụng. Tuy nhiên đáng ngại về khả năng dẫn đến ô nhiễm.

- Mức độ ô nhiễm không khí không đáng kể do hoạt động công nghiệp của thị trấn chưa phát triển, song ở một số khu vực cục bộ như điểm nút giao thông, quanh các cơ sở chế biến... một số chỉ tiêu về tiếng ồn, bụi, nước thải đã có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, tại các địa điểm dân cư tập trung, các khu chợ, dịch vụ... có lượng chất thải nhiều nhưng lại chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước, rác thải hoặc chưa đầu tư xử lý đúng quy định phần nào làm ô nhiễm bầu không khí và nguồn nước mạch nông.

- Hạ tầng kỹ thuật môi trường, đặc biệt là cấp thoát nước đô thị chưa được cải thiện, mức độ đầu tư còn thấp so với yêu cầu.

Từ những vấn đề nêu trên, trong những năm sắp tới, cùng với quá trình khai thác các nguồn lợi một cách tối đa để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống thì việc tái tạo cảnh quan, dự kiến trước các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa, hạn chế khắc phục ô nhiễm, bảo vệ và phát triển bền vững các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên môi trường sinh thái là vô cùng cần thiết.

3. Về Dân số và lịch sử văn hóa.

3.1. Dân số

Thị trấn Lạc Tánh được Chính Phủ công nhận vào tháng 7/1999 là địa phương thuộc huyện miền núi. Năm 2010, dân số của thị trấn là 16.211 người, đến năm 2023, dân số đạt 16.806 khẩu/4633 hộ, đông nhất so với các xã khác trong huyện, được tập trung dân từ nhiều tỉnh thành về đây sinh sống và lập nghiệp với 12 dân tộc anh em bao gồm: Kinh, Chăm, Raglay, Chơro, Cơ ho, Nùng, Tày, Mường, Mèo, Thổ, Khơme và Hoa. Trong đó, người Kinh chiếm đa số 74,3%, kế đến là người Chăm 10,2%, còn lại là 10 dân tộc anh em khác chiếm 15,5%  …, người Kinh định cư tập trung ở các khu phố Lạc Hưng 1, Lạc Hưng 2, Lạc Tín, Lạc Hóa 1, Lạc Hóa 2, Lạc Hà và Lạc Thuận… họ sống bằng nghề làm nông, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp và buôn bán, dịch vụ …. Người DTTS sống ở các khu phố Chăm, Trà Cụ và Tân Thành, trong đó người Chăm (1.889 người) sống tập trung ở khu phố Chăm và sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, trồng bông dệt vải… còn các dân tộc khác sống rải rác tập trung ở khu phố Trà Cụ (998 người) và khu phố Tân Thành (3.550 người), họ sống chủ yếu là làm nông và khai thác lâm sản. Mỗi dân tộc có những ngành nghề truyền thống và gắn bó lâu đời tạo nên sự liên kết trong cộng đồng dân cư, đó là sự thương yêu đùm bọc “lá lành đùm lá rách” đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong chiến đấu cũng như trong lao động sản xuất để xây dựng và bảo vệ quê hương.

3.2. Lịch sử văn hóa

- Tôn giáo

Hiện nay trên địa bàn thị trấn hình thành các tôn giáo sau: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành và Đạo Bà Ni ở khu phố Chăm. Tình hình tôn giáo trên địa bàn thị trấn nhìn chung cơ bản ổn định, các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường và từng bước đi vào nề nếp, thuần túy về tôn giáo; phần lớn các chức sắc, bà con giáo dân, tín đồ phật tử tuân thủ pháp luật.

- Di tích lịch sử

Đình làng Lạc Tánh được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tọa lạc tại khu phố Lạc Tín, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh. Hàng năm cứ đến ngày 15/02 Âm lịch địa phương đều tổ chức lễ hội Kỳ Yên nhằm thể hiện lòng biết ơn, cầu nguyên những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cầu mong Thành Hoàng Bổn Xứ và các bậc tiền nhân bảo bọc, che chở cho một năm mới tốt lành.

- Về văn hóa:

+ Trống Paranưng, Trống Rinăng, Kèn Saranai của người Chăm;

+ Kèn bầu, cồng chiêng của người Raglai;

+ Đàn tín, lục lạc và điệu múa Trầu, hát Then của của người Nùng, Tày;

+ Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm;

- Danh lam thắng cảnh:

Cách khoảng 5 km từ trung tâm thị trấn có Khu du lịch sinh thái Thác Bà, nằm trên địa giới hành chính xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh.

4. Danh sách, chức danh và số điện thoại của Đảng ủy, HĐND, UBND và Uỷ ban Mặt trận TQVN thị trấn

Stt

Họ và tên

Chức vụ

Số điện thoại

01

Lê Văn Thuyên

Bí thư Đảng ủy thị trấn

0917555343

02

Đinh Thị Nguyệt

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn

0988294020

03

Nguyễn Trường Hải

PCT HĐND thị trấn

0918610952

04

Nguyễn Trọng Vân

Chủ tịch UBND thị trấn

0947898151

05

Lê Ngọc Nhân

Chủ tịch UBMTTQ thị trấn

0946461860

06

Nguyễn Văn Trí

PCT UBND thị trấn

0988063056

07

Lê Thị Linh Hương

PCT UBND thị trấn

0846400422

 

Dịch vụ công trực tuyến: https://dichvucong.binhthuan.gov.vn/expway/smartcloud/icloudgate/page/home.cpx

Tin liên quan
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang