I. KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
La Ngâu là xã miền núi thuần dân tộc nằm về phía Đông Bắc huyện Tánh Linh, dọc theo đường Quốc lộ 55 cách trung tâm huyện Tánh Linh 20 km, có tổng diện tích tự nhiên 9.562,42 ha. La Ngâu có 3 bản và 1 thôn, nằm cách thành phố Phan Thiết 124 km và nằm dọc trên tuyến đường QL 55 nối dài với xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), dân số 2.674 người, mật độ dân số 29 người/km2. Đường ranh giới của xã có tứ cận như sau:
- Phía Đông giáp huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm ThuậnNam;
- Phía Tây giáp xã Đồng Kho và xã Bắc Ruộng;
- Phía Nam giáp xã Đức Bình;
- Phía Bắc giáp huyện Hàm Thuận Bắc;
2. Địa hình, địa mạo:
Xã La Ngâu là xã miền Núi, địa hình được chia cắt bởi 2 dãy núi chính là núi Long, núi Ông 812m và núi Bắc cao 386m. Điạ hình có độ dốc lớn, hướng dốc đổ về phía Nam và Tây Nam. Chia thành 2 dạng địa hình chính:
- Vùng phía Bắc và Đông Bắc xã là vùng đất có địa hình cao và tương đối thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp, phần còn lại là đồi núi chiếm trên 75% diện tích toàn xã.
- Vùng phía Nam và Tây Nam diện tích trên 1.850 ha với địa hình khá bằng phẳng có độ cao dưới 150m so với mực nước biển là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp.
3. Các đặc trưng khí hậu, thời tiết:
Khí hậu La Ngâu mang tính chất chuyển tiếp giữa chế độ mưa của vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Vì vậy La Ngâu nằm trong vùng ẩm nhất của tỉnh Bình Thuận, chỉ số ẩm ướt trong năm đều trên 1,63%.
Nhiệt độ trung bình hằng năm 26,30C, nhiệt độ bình quân thấp nhất là 250C, sự chênh lệch nhiệt độ giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất từ 2 – 30C.
Độ ẩm không khí bình quân năm là 84%.
Lượng mưa bình quân hàng năm tương đối cao 2,185mm, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 và lớn nhất vào các tháng 7,8,9 gây ngập úng và xói mòn đất. Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thường gây thiếu nước cho cây trồng, nên giải pháp thủy lợi có vị trí quan trọng hàng đầu trong sản xuất. Tổng số giờ nắng bình quân trong năm là 2.873 giờ, mỗi ngày bình quân có trên 6 giờ nắng, mỗi tháng có trên 240 giờ nắng.
Hằng năm xã chịu ảnh hưởng tương đối của gió mùa Tây Nam và Đông Bắc, gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10. Gió Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tốc độ gió trung bình 2-3m/s.
4. Thủy Văn
La Ngâu có sông La Ngà chạy dọc ranh giới phía Tây Nam dài trên 11 km và 2 con sông chính là nhánh của sông Tà Mỹ và sông Dargnao. Ngoài ra còn có các suối nhỏ tạo thành hệ thống thủy văn dày đặc trên địa bàn xã. Toàn bộ diện tích đất nông nhiệp của xã nằm trong lưu vực sông La Ngà nên được bù đắp một lượng phù sa đáng kể.
Nguồn nước ngầm ở La Ngâu đi theo hướng Tây Nam qua khu vực dân cư với lưu lượng 1,5 lít/s, trị số hạ thấp 5m, mực nước tỉnh 2m.
5. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên
a. Tài nguyên rừng
Theo thống kê năm 2017 diện tích đất có rừng của xã La Ngâu 7.558,44 ha; chủ yếu là rừng tự nhiên.
Đất lâm nghiệp ở địa phương chủ yếu là rừng tự nhiên nằm trong lâm phận của BQL rừng phòng hộ La Ngà và khu bảo tồn Núi Ông. Hằng năm cấp ủy xã chỉ đạo chính quyền phối hợp với đơn vị chủ rừng, triển khai phòng chóng cháy rừng vào mùa khô và khai thác vận chuyển gỗ trái phép, phá rừng làm rẫy và chặt hạ cay non bừa bãi vẫn còn xảy ra.
Thực hiện theo NĐ 135 của Chính Phủ về giao khoán và bảo vệ rừng, toàn xã có 215 hộ nhận khoán 9.164,4 ha đất.
b. Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt: nguồn nước sông Tà Mỹ là nguồn nước mặt chủ yếu cung cấp nước tưới cho khoảng hơn 100ha ngô.
- Nguồn nước ngầm: khá phong phú. Trong địa phận xã La Ngâu có 2 con sông lớn: sông Tà Mỹ bắt nguồn từ vùng núi cao phía Bắc của xã có chiều dài khoảng 14 km và sông La Ngà bắt nguồn từ huyện Hàm Thuận Bắc có chiều dài 13 km. Hai con sông trên nước chảy quanh năm thuận lợi cho canh tác sản xuất các loại cây trồng như: rau, đậu…
6. Tài nguyên khoáng sản
La Ngâu không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên khoáng sản có giá trị nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, về tìêm năng vật liệu xây dựng như: cát, đá thì tương đối lớn, là nguyên vật liệu phục vụ cho xây dựng được khai thác sẽ phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của xã.
7. Dân số và Tôn giáo
Xã La Ngâu được chia 3 bản và 1 thôn: bản 1,bản 2, bản 3 và thôn Đa mi với tổng dân số là 2.674 người/ 709 hộ.
Trong đó: - DTTS: 520 hộ/ 2.200 khẩu.
Có khoảng 10 dân tộc sinh sống: Kinh, Cơho, Chăm, Raglai, Hoa, Thái, Tày, Nùng, Rai, Chơro.
Về tôn giáo, trên địa bàn xã có hai tôn giáo chính: Phật giáo và Thiên Chúa giáo giáo. Tuy nhiên chỉ có Phật giáo có cơ sở thờ tự là Chùa Bửu Sơn ở Thôn Đa Mi. Còn Thiên chúa giáo các tín đồ sinh hoạt tại Giáo Sứ Đồng Kho và Giáo Sứ Đaguri ở xã Đa Mi.
Hộ đồng bào có đạo: 107 hộ/ 430 khẩu (Phật giáo: 54 hộ/224 khẩu, Thiên chúa giáo: 53 hộ/206 khẩu).
II. VỀ KINH TẾ
1. Nông nghiệp:
a. Trồng trọt:
Toàn xã đã gieo trồng được 738 ha/03 vụ, ước bình quân sản lượng thu được là 4.785 tấn/4.925 tấn, đạt 97,6% so với Nghị quyết của Đảng ủy và Nghị Quyết HĐND xã giao. Bình quân lương thực đầu người là 1.800 Kg/người/năm. trong đó:
- Vụ Đông xuân: Tổng diện tích gieo trồng được 152 ha. sản lượng thu hoạch 1.210 tấn, trong đó:
+ Cây bắp lai 150 ha, năng suất bình quân 80tạ/ha, sản lượng thu được 1200 tấn.
+ Cây lúa: 02 ha, năng suất bình quân 50tạ/ha, sản lượng thu hoạch 10 tấn.
+ Tiếp tục nhân rộng mô hình cây khổ qua, bí đỏ 10 ha. Trong đó: Khổ qua lấy hạt giống 5 ha, bình quân 35 kg hạt/1 xào, giá thu mua 420.000 đồng/kg hạt, tổng trị giá thu hoạch 14.700.000 đồng/xào, chi phí gieo trồng 10.000.000 đồng/vụ.
+ Bí đỏ 5 ha, hiện nay đang thu hoạch 700 trái/1xào giá thu mua 6.000đồng/trái, tổng thu hoạch 4.200.000/xào. Chi phí 2.000.000/xào/vụ.
- Vụ hè thu: Tổng diện tích 276 ha, ước sản lượng thu hoạch 1.605 tấn. Trong đó:
+ Cây Bắp lai: 180 ha, ước năng suất bình quân 75 tạ/ha, ước sản lượng thu được 1.428 tấn.
+ Cây Lúa: 50 ha, ước năng suất bình quân 50 tạ/ha, ước sản lượng thu hoạch 1.350 tấn.
+ Đậu các loại: 04 ha.
+ Rau các loại 01 ha, chủ yếu là trồng sinh hoạt tại hộ gia đình.
+ Khổ qua 0,6 ha/4 hộ.
+ Sắn (mỳ): 40 ha.
Một số cánh đồng nằm xa các kênh mương, chủ yếu sản xuất nhờ nước trời nên sự tăng trưởng và phát triển cây trồng còn chậm.
- Vụ mùa: Tổng diện tích 310 ha, ước sản lượng thu hoạch 1.970 tấn. Trong đó:
+ Cây Bắp lai: 280 ha, ước năng suất bình quân 65 tạ/ha, ước sản lượng thu được 1.820 tấn.
+ Cây Lúa: 30 ha, ước năng suất bình quân 50 tạ/ha, ước sản lượng thu hoạch 1.350 tấn.
- Cây công nghiệp:
+ Cây điều: Diện tích hiện có 170 ha. năng suất bình quân 0,5tấn/ha, sản lượng thu hoạch 85 tấn. Tùy theo điều kiện thời tiết có năm mưa nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất cây điều thấp.
+ Cây tiêu: 2 ha, diện tích thu hoạch 2 ha, năng suất bình quân 7,5 tấn/ha, sản lượng thu hoạch 15 tấn.
+ Cây cao su: 35 ha, diện tích trồng mới đang chăm sóc là 17 ha, diện tích thu hoạch là 18 ha, năng suất thu hoạch bình quân 70.000.000 đồng/ha/năm.
+ Cây cà phê: 16 ha, diện tích thu hoạch 16 ha. năng suất bình quân 1 tấn/ha, sản lượng thu hoạch 16 tấn,
+ Cây ăn quả: 13 ha, diện tích thu hoạch 13 ha. Trong đó: Chuối 6 ha, xoài 4 ha, sầu riêng 2 ha, cam 1 ha.
b. Chăn nuôi:
- Tổng đàn gia súc: 1.905 con, Trong đó: Đàn trâu 168 con, đàn bò 974 con, đàn dê 225 con, đàn heo 450 con.
- Tổng đàn gia cầm: 3.870 con, trong đó: Đàn gà 3.550 con, đàn vịt 320 con.
Trong những năm qua, kinh tế xã nhà có những bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Tổng sản lượng lương thực quy ra thóc năm 2020 đạt 6.719 tấn, bình quân lương thực đầu người là 2.030 Kg/người/năm. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng; nông lâm nghiệp giảm so với các năm trước. Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 28.109.000 đồng/người/năm. Nhìn chung, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, tuy nhiên trong những năm tới cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành tiểu thủ công nghiệp hơn nữa và giữ ở mức ổn định cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp.
Trong chăn nuôi, với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nguồn thức ăn sẵn có từ các loại cây trồng, địa phương đã khuyến khích người dân tập trung vào chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: bò, dê, trâu, heo, gà, vịt… khuyến khích người dân tham gia chăn nuôi heo, vịt với quy mô lớn tập trung tại vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung nhằm tạo giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Công tác đào tạo nghề được quan tâm, xã đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như: dạy chăn nuôi bò, mở lớp thú y, lớp bảo vệ thực vật, lớp trồng cây điều, lớp trồng và chăm sóc cây khổ qua,… Tổ chức tập huấn các kĩ thuật chăn nuôi trồng trọt như: trồng chăm sóc cây bắp, chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, cải tạo vườn điều…
Tiếp tục tuyên truyền phòng, chống dịch cho đàn gia súc gia cầm, chỉ đạo tiêm phòng gia súc vụ thu cũng như thực hiện tốt quy định chăn nuôi. Tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, chỉ đạo nhân rộng các mô hình kinh tế đang có hiệu quả. Tập trung thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…