Dân số, dân tộc và tôn giáo
17/05/2019
Trong những năm qua, dân số tăng nhanh nhưng lại phân bố không đồng đều, dân số toàn huyện đến nay là 103.520 người, các địa phương có mật độ dân số cao như Lạc Tánh 148 người/km2, Đồng Kho 166người/km2, Huy Khiêm 156 người/km2, Đức Tân 341người/km2, Đức Phú 158 người/km2 ... các xã có mật độ dân số thấp nhất như La Ngâu, Măng Tố, Suối Kiết, Gia Huynh từ 13-45 người/km2.
Ngoài số dân tộc kinh, còn có 12 dân tộc ít người phân bố ở các xã với dân số là 15.075 người/3.211 hộ, chiếm 14,6% dân số toàn huyện; gồm các dân tộc: Chăm, Ra-glai, Chơ-ro, Cơ-ho, Dao, Hrê, Hoa, Khơ-me, Mường, Nùng, Tày, Thái; các dân tộc Mường, Nùng, Tày, Thái di dân tự do vào sinh sống từ năm 1995-2000; các dân tộc định canh, định cư tại 13 thôn xen ghép của 06 xã, 01 thị trấn và 01 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Đa số đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông, sản xuất trên tổng diện tích đất nông nghiệp 2.610,8 ha. Trong đó diện tích cây hàng năm 1.442,5 ha (chủ yếu diện tích lúa nước và bắp lai); diện tích cây dài ngày 1.168,3 ha, gồm: cây cao su 568,3 ha, cây điều 538 ha; diện tích còn lại cây khác; bình quân đất sản xuất 0,81 ha/hộ; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 20,06%.
Tánh Linh Có 7 tổ chức tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo Bàni, Phật giáo Hoà hảo, Baha'i; có 41.013 tín đồ chiếm khoảng 39,4% dân số toàn huyện, trong đó: Phật giáo 25.072 tín đồ, Công giáo 12.884 tín đồ; Tin lành Việt Nam (Miền Nam) 920 tín đồ; Tin lành cơ đốc Truyền giáo 47 tín đồ; Tin lành Phúc âm 20 tín đồ; Tin lành Báp tít 50 tín đồ; Cao đài 362 tín đồ; Hồi giáo Bàni 1.632 tín đồ; Baha'i 26 tín đồ. Có 38 cơ sở thờ tự, trong đó: Phật giáo 14 Chùa, 2 Tịnh xá, 2 điểm nhóm; Công giáo 8 Giáo xứ, 2 điểm nhóm; Tin lành 2 Chi hội, 6 điểm nhóm; Cao đài 1 điểm nhóm; Hồi giáo Bàni: 1 Chùa. Về chức sắc có 33 người, trong đó: Phật giáo 18, Công giáo 9, Tin lành 4, Cao đài 1, Hồi giáo 1; Nhà tu hành có 83 người, trong đó: Phật giáo 17, Công giáo 23, Tin lành 2, Cao đài 1, Hồi giáo 40 người và khoảng 80 chức việc phục vụ tại các cơ sở thờ tự tôn giáo.
Hoạt động của các tôn giáo cơ bản theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng bào có đạo đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh chính trị của địa phương. Tuy nhiên, về hoạt động của thiên chúa giáo tại khu vực Tà Pao xã Đồng Kho nơi có tượng Đức mẹ được chính quyền tay sai của Ngô Đình Diệm dựng nên từ năm 1959, đến năm 1999 dưới sự chỉ đạo của giáo hội, giáo phận Phan Thiết đã tung tin “Đức mẹ hiện hình, Đức mẹ xoay, Đức mẹ khóc, Đức mẹ phát sáng” để lôi kéo giáo dân các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có các tỉnh Nam Tây Nguyên về đây để đọc kinh cầu nguyện và tổ chức nhiều hoạt động gây xáo trộn đến an ninh chính trị, trật tự xã hội xảy ra nhiều phức tạp, ô nhiễm môi trường...Quá trình hoạt động đến năm 2005, thì Ban Tôn Giáo chính phủ và tỉnh Bình Thuận cho phép tòa giám mục Phan Thiết trùng tu, nâng cấp và hoạt động tôn giáo tại khu vực này. Hàng năm giáo hội tổ chức nhiều cuộc lễ, đặc biệt một số lễ trọng thì giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân lên đến 50 ngàn người, cùng với hàng ngàn phương tiện xe ô tô, xe gắn máy gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực tại địa phương, nhất là về an ninh chính trị. Đầu năm 2013, Tòa giám mục Phan Thiết đang có đơn xin mở rộng đất đai xây dựng và hoạt động tôn giáo tại khu vực này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận đang chỉ đạo cho huyện Tánh Linh phối hợp với các Sở, ngành liên quan tỉnh Bình Thuận rà soát kiểm tra đối chiếu với quy hoạch chi tiết trung tâm xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh để tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận xem xét giải quyết