Hội nghị sơ kết vụ Đông Xuân 2023 - 2024

Chiều ngày 11 tháng 4 năm 2024, tại Hội trường B - UBND huyện, đồng chí Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2023 -2024. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: ông Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, ông Dương Thành Nam - Giám đốc Trung tâm sản xuất Giống cây trồng Miền Nam, ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố, ông Đoàn Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp - Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Trần Thị Vũ Phương - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông, ông Lê Công Hoàng - Chuyên viên Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận; đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy Tánh Linh; ông Nguyễn Hữu Bơm - Phó Chủ tịch HĐND huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và lãnh đạo UBND, Hội Nông dân các xã, thị trấn, các doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện.

Kết quả thực hiện sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024 trong điều kiện có nhiều khó khăn, cực đoan về thời tiết, giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào, vật tư nông nghiệp, giống phục vụ sản xuất tăng cao; song các cơ quan chuyên môn, các địa phương, đặc biệt Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh La Ngà, Trung tâm Kỹ thuật và DVNN Tánh Linh, các địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu UBND huyện, triển khai thực hiện; sự quan tâm hỗ trợ của các Viện, Trung tâm, của các Sở, ngành của tỉnh, sự gắn bó của nông dân, các hợp tác xã với nông nghiệp huyện đã đem lại kết quả tích cực, cụ thể là:

- Diện tích, năng suất, sản lượng cây hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra (diện tích gieo trồng trên 11.500 ha/11.350 ha KH, đạt 101,8%). Sản lượng lương thực ước đạt khoảng 75.700 tấn, đạt 112% kế hoạch vụ. Giá cả (lúa) tăng, ổn định.

- Cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả ổn định diện tích  trên 30.150 ha, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo.

- Thiếu nước cục bộ sản xuất Đông Xuân 2023-2024 vào một số thời điểm do điều tiết chạy máy phát điện của Nhà máy Hàm Thuận - Đa Mi. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận - Chi nhánh La Ngà và các cơ quan, đơn vị địa phương trong tổ chức sản xuất, do đó nguồn nước được cải thiện, không ảnh hưởng lớn đến sản lượng.

- Hỗ trợ kịp thời nguồn kinh phí quản lý, bảo vệ đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ để các địa phương, nhân dân triển khai thực hiện đạt hiệu quả, trong đó(i) hỗ trợ canh tác lúa tiên tiến -SRI, diện tích 70 ha, (ii) hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh xây dựng cánh đồng lớn trên 2.000 ha, (iii) nhân giống lúa xác nhận: 242 ha, (iv) hỗ trợ mua giống lúa xác nhận 829 ha, (v) hỗ trợ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 44,5 ha và (vi) hỗ trợ phân hữu cơ cải tạo đất lúa kém hiệu quả 40 ha.

- Mô hình khảo nghiệm các giống lúa của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tại xã Bắc Ruộng của Trung tâm Kỹ thuật và DVNN huyện tiếp tục đem lại kết quả khả quan, góp phần làm phong phú thêm bộ giống lúa thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.

- Mời gọi Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết nông dân sản xuất 63,65 ha giống lúa Nguyên chủng OM5451, OM18,... sản lượng 400 tấn; đầu tư nâng cấp hệ thống sấy, trạm cân 40 tấn/ngày, đêm.

- Vận dụng chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh, đã triển khai thực hiện được các dự án liên kết như (1) Công ty TNHH SX và TM Đại Nhật Phát Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (lúa gạo) 100 ha, liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia An sản xuất 50 ha và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Phú 50 ha, sản lượng 700 tấn; (2) Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (gạo nếp) của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình 60 ha, sản lượng đạt 450 tấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân như sau: Một số diện tích sản xuất nông nghiệp xảy ra thiếu nước cục bộ; việc cấp nước không theo sinh trưởng, phát triển của cây trồng, ứng dụng tưới ướt, khô xen kẽ, SRI,... nguyên nhân do không chủ động được nguồn nước, phụ thuộc hoàn toàn vào việc cấp nước chạy máy phát điện của Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi; Bên cạnh một số địa phương thiếu nước cục bộ thì một số địa phương sử dụng nước lãng phí, nước chảy tràn lan và xuống lại sông La Ngà,... nguyên nhân là do các địa phương không củng cố tổ thủy nông (tổ dùng nước), kênh mương thủy lợi chưa được nạo vét, các hư hỏng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời (của xã quản lý, của Chi nhánh La Ngà quản lý và của Ban Quản lý DADT xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT chưa bàn giao). Công trình thủy lợi chưa bàn giao cho đơn vị sử dụng nên không có cơ sở để sửa chữa.

- Lúa cỏ, lúa lẫn, lúa ma phổ biến ở một số chân ruộng, do không thực hiện khử lẫn, không có điều kiện để khử lẫn, sản xuất không đồng loạt hoặc giống hoặc nguồn nước cấp không đảm bảo để khử lẫn.

- Chi phí đầu tư đầu vào một số diện tích cao, sâu, bệnh, côn trùng, chuột xảy ra, gây hại trên cây trồng do gieo sạ dày, gieo sạ không đồng loạt, gieo sạ không theo kế hoạch sản xuất của địa phương, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách, không hiệu quả, chưa kể việc sử dụng phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng (có khả năng);

Nhiệm vụ thời gian tới tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh, có năng suất, chất lượng cao, gia tăng chuỗi giá trị gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện được nội dung trên, cần tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ đó là:    Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, canh tác lúa tiên tiến, vào sản xuất nông nghiệp nhất là trên cây lúa để nhân dân nắm bắt, ứng dụng. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế của huyện, gắn với đổi mới mô hình sản xuất phù hợp. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác. Duy trì và phát triển chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả; phát triển nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Căn cứ Quyết định về lộ trình Kế hoạch cánh đồng lớn trên vùng lúa Chất lượng cao để: sản xuất tập trung, chống manh mún; đưa cơ giới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng bộ. Đây là cơ sở để hình thành hợp tác xã, Tổ hợp tác để có người chỉ huy chung; là cơ sở để phân bổ vốn có mục tiêu; đạt tiêu chí nông thôn mới và cơ sở để có người đứng ra làm chủ thể liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

          Đình Sơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang